Thứ Sáu, tháng 12 29, 2006

6. TRẦN XUÂN AN -- NHẤN MẠNH & TRẢ LỜI MỘT THẮC MẮC


--- ---- ---


(bấm vào hình để xem cỡ được phóng lớn)


TRẢ LỜI MỘT THẮC MẮC
(một lần nữa xin được nhấn mạnh)


(Kính gửi một độc giả
đề nghị không nêu danh tính)


Tôi thấy cần thiết phải nhấn mạnh lại một sự thật lịch sử đã được nhấn mạnh nhiều lần, nhưng có nhiều người bị định kiến sai lạc cũ chi phối, nên không để ý đến. Đó là sách lược “HAI MẶT”. Không những Nguyễn Văn Tường, mà cả Tôn Thất Thuyết đều thực thi sách lược ấy -- một sách lược đã được hai người cùng nhau bàn bạc, quyết định.

Sau đây là một vài luận cứ, luận chứng:

1. +++ Phạm Hữu Dụng ra Quảng Trị gặp Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết nói, chỉ có thể rước vua Hàm Nghi về với điều kiện:
- Phải đoàn kết với Pháp;
- Pháp không được lấn hiếp nữa.
Ở một bài viết, tôi đã diễn đạt và trích đúng nguyên văn:
“Tôn Thất Thuyết đã nói với Phạm Hữu Dụng: “Phải nên đoàn kết [thoả hiệp tạm thời – ct.] với quân Pháp; [Pháp – ct.] không lại lấn áp như trước, thì mới đón xe vua về”” (chú thích [51] = ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 223.). (TXA., bài “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi (05 tháng 7. 1885)”, đã đăng nhiều nơi, đã in thành sách, tạm xem tại:
http://tranxuanan-writer-5.blogspot.com/2006/11/nguyn-vn-tng-1824-1886-th-vi-nt-v-con_9621.html )

2. +++ “Dụ Cần vương” (đánh) chính thức, duy nhất được ban hành tại Tân Sở và “Dụ gửi Nguyễn Văn Tường” (đàm) cùng được phát đi, gửi về cùng một ngày: 13-7-1885 (2-6 Ất dậu). Tôi cũng hơn một lần diễn đạt ý tưởng này:
-- “Mật dụ ấy cùng với Dụ Cần vương được gửi về và phát đi trong một ngày (02.6 Ất dậu: 13.7.1885)”.
-- “Chi tiết Dụ Cần vương và mật dụ gửi Nguyễn Văn Tường từ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) được viết một ngày, phát đi và gửi về một lúc (02.6 Ất dậu, 1885) đã làm sáng tỏ”. (TXA., bài đã dẫn:
http://tranxuanan-writer-5.blogspot.com/2006/11/nguyn-vn-tng-1824-1886-th-vi-nt-v-con_9621.html )

3. +++ Tôi cũng đã viết:
“Tuy thế, tôi thấy cần nhấn mạnh thêm một lần nữa một điều đã viết với luận chứng nghiêm túc: Có một số trang châu bản sau cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ, do Nguyễn Văn Tường viết, trình lên Tam cung (đứng đầu là bà Từ Dũ) và giám quốc nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định, thực chất chỉ nhằm đối phó với thực dân Pháp và phe chủ “hòa” (thực chất là đầu hàng) đang thắng thế. Đúng vậy, như TS. Nguyễn Nhã đã khẳng định trong Hội thảo, ngày 02-7-2004, viết những trang châu bản ấy, Nguyễn Văn Tường chỉ dùng để đối phó mà thôi, trong sách lược “hai mặt”!”. (TXA., Trao đổi với nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân về bài viết: “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng”, bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao điểm, số tháng 8-2005, posted: 22.8.2005:
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
hoặc theo link thuộc docs.google.com:
http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_16fbm6nq ).

4. +++ Bài thơ "Giải triều...":
"Đường núi vạn trùng lo kiệu biếc [ = đánh ]
Lòng tôi nhất dạng giữ sân son" [ = đàm ]
(Sơn kính vạn trùng thương thuý liễn
Thần tâm nhất dạng luyến đan đình)

(Bài đã dẫn ở ý 3)

5. +++ Bản án chung thẩm của ngụy triều Đồng Khánh (có chữ kí của De Courcy) đã xác quyết sự thật lịch sử hai mặt nhưng vẫn một lòng đó của nhóm chủ chiến:
“Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo” (chú thích [64] = ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 35). (Bài đã dẫn). Xin lưu ý: Phạm Thận Duật chỉ là một nhân vật mờ nhạt; ông cũng chưa bao giờ được phong chức phụ chính đại thần.


Chúng ta đều biết rõ rằng: Vào thập niên 80 cuối thế kỉ XIX, nước ta không những đứng trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp và bộ phận tả đạo thuộc Thiên Chúa giáo, mà còn phải đối phó với mưu toan thoả hiệp với Pháp để xâu xé Bắc Kỳ của nhà Thanh (Trung Hoa).


Hiệp ước Thiên Tân Pháp - Hoa (quy ước đình chiến kí ngày 04-4-1885 tại Paris, chính thức kí kết vào ngày 09-6-1885 tại Thiên Tân) đã thật sự cô lập nước ta. Do đó, sách lược vừa đánh, vừa đàm, hai mặt nhưng vẫn một lòng, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cùng nhóm chủ chiến thực thi là một sáng tạo tối ưu trong điều kiện thế và lực của nước ta thuở ấy (7-1885...).

Ở bài trả lời thắc mắc này, tôi chỉ liệt kê các ý cần thiết, không lặp lại những ý tưởng, những trích đoạn nguyên văn khác, chẳng hạn như:

"Quốc kế “chia tách triều chính” nhưng vẫn “nhất dạng”, phối hợp bí mật nhưng rất chặt chẽ, là một sáng tạo rất táo bạo, trong điều kiện thế và lực lúc bấy giờ!
.
Qua việc trích dẫn những tư liệu của Puginier, theo giáo sư Nguyễn Văn Kiệm [28], chúng ta thấy rõ sự thật lịch sử, với sự miêu tả của chính đối phương, về nỗ lực của Nguyễn Văn Tường: “Vua Hàm Nghi đi theo Thuyết còn phụ chính Tường ở lại, vẫn giữ nguyên chức tước, và sau một thời gian trá hàng, lại tiếp tục có những hành động đối kháng. Chính theo lệnh của y mà khoảng 30.000 giáo dân đã bị hại chỉ trong vòng 2 tháng và hơn 1.000 người khác cũng chịu chung số phận do các quan lại thi hành mệnh lệnh trên…”".


([28] Bài của GS. Nguyễn Văn Kiệm,
trong Kỉ yếu Hội nghị khoa học
về đề tài
“Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế
và Nguyễn Văn Tường”,
ĐHSP. TP.HCM., 20.6.1996, tr. 14).
.
Xin vui lòng xem ở bài viết đã được dẫn link bên trên: "Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi" (TXA., "Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), một người trung nghĩa", Nxb. Thanh Niên, 9-2006, tr.20- 80).

Điều nhấn mạnh:

Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi vừa phát động phong trào Cần vương (Dụ Cần vương) vừa ghi nhận, động viên Nguyễn Văn Tường thực hiện nhiệm vụ lịch sử là đàm phán với Pháp (Dụ gửi Nguyễn Văn Tường, Dụ gửi hoàng tộc [07-5 Ất dậu = 18-7-1885]), sau khi kinh đô Huế đã thất thủ (05-7-1885). Vừa phát động phong trào Cần vương, vừa cùng lúc, cùng ngày khẩn thiết gửi mật dụ về Huế, thể hiện chủ trương đàm phán với Pháp, không phải Tôn Thất Thuyết và Hàm Nghi hai mặt nhưng vẫn một lòng, là gì!


Nhân đây, xin thêm một ghi chú ngoài lề sử học:

Có những nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch trong nhận thức sử học:

-- Dưới chế độ áp bức ngôn luận, kẻ sĩ, trí thức, nghệ nhân dân gian thường có khuynh hướng mượn chuyện cũ ngày xưa (hoặc chuyện nước ngoài) để nói chuyện mới hiện nay (hoặc chuyện trong nước).

-- Sử dụng điển tích trong nước hay nước ngoài trong văn chương để thể hiện một cách hàm súc điều muốn nói với người cùng thời hay với hậu thế, thủ pháp nghệ thuật ấy đã từ lâu trở thành một trong nhiều phương thức tu từ (mĩ từ pháp). Trong khi sử dụng điển tích, người viết lại được phép cải biên cả chất liệu tạo nên điển tích ấy, và nội dung đã cải biên được văn cảnh, ngữ cảnh cụ thể, nhất định vừa bổ trợ, vừa khu biệt hoá, thành một lượng thông tin mới mà người đọc có thể tiếp nhận. Chính sự cải biên này đã khiến tư duy văn học và sử học lắm khi lẫn lộn.

-- Định kiến sai lệch trong xã hội vẫn còn tồn tại do sự xuyên tạc sự thật lịch sử với mục đích lợi dụng sử học vào mục đích tuyên truyền chính trị nhất thời (thực dân, tả đạo xuyên tạc nhằm mục đích xâm lược, nô dịch; lực lượng cách mạng xuyên tạc nhằm mục đích đả phong, đả thực (*); các bộ phận xã hội có xu hướng chính trị khác xuyên tạc nhằm mục đích phù hợp với quyền lợi của họ...). Cho đến thời điểm hiện nay, chưa phải là không còn tình trạng đó. Như vậy, định kiến sai lệch lưu cữu cộng với âm hưởng chưa dứt, thậm chí còn diễn tiến của tình trạng xuyên tạc sự thật lịch sử nói trên, cộng với sự cố chấp hay bảo thủ, tâm lí nuối tiếc, không dám phủ nhận sai lệch trong các công trình nghiên cứu trước đây, tạo thành một "lực ì", "trì trệ" không phải không đáng sợ (**). Không phải ít người thuộc dạng cầu an, thiếu tình thần dũng cảm khoa học, ngại đụng chạm!

-- Tâm thế người nghiên cứu sử và người đọc sử chi phối xu hướng đọc sử và hiểu sử. Người viết, người đọc sử thường có mối liên hệ giữa lịch sử ngày xưa và tình trạng, bối cảnh mới đây, hiện nay. Nói thẳng ra, người viết, người đọc trong nước hay ở hải ngoại, khi đề cập đến cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ, 05-7-1885, thường liên tưởng đến ngày 30-4-1975, theo quy luật liên tưởng được các nhà tâm lí học gọi là liên tưởng theo quy luật tương đồng (tâm thế “nhìn suối nhớ sông”, đối với Việt kiều vốn thuộc chế độ cũ) hay quy luật tương phản (tâm thế “nhìn sông nhớ núi”, đối với người tham gia cách mạng hay chấp nhận, tán thành cách mạng). Chính đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tránh bày tỏ thái độ đối với mảng đề tài này hoặc xếp vào loại "nhạy cảm".

-- Đối với sự chạnh lòng, chột dạ của hàng giáo phẩm, giáo dân Thiên Chúa giáo, tôi đã nhiều lần minh định rõ thái độ của tôi. Ở đây, tuy không lặp lại, nhưng không thể không liệt kê ra trong việc thống kê, phân tích nguyên nhân này.

Các nguyên nhân trên cần thiết phải chỉ rõ ra và rất nên tạo lập một lối tư duy rạch ròi, nói theo thành ngữ là không nên nhập nhằng, “đánh lẫn” và “gian lận”, giữa con đỏ với con đen, giữa sử học khách quan với tâm thế chủ quan, văn chương kí thác tâm sự, nhất là cần phân biệt với "loại sử học phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền chính trị nhất thời". Mong rằng, chuyện nào ra chuyện nấy.

Tôi xin được nhấn mạnh sự thật lịch sử "hai mặt nhưng vẫn một lòng" của Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi (chứ không chỉ riêng Nguyễn Văn Tường, Trương Văn Đễ) và bổ sung ghi chú ngoài lề sử học như vậy.

________________

(*) Mục đích đả thực luôn luôn có tính chính nghĩa. Đả phong là một mục tiêu phù hợp với xu thế dân chủ, nhưng phải xét đến điều kiện lịch sử cụ thể, mới có tính khoa học, nếu không muốn sa vào chủ nghĩa duy ý chí. Tuy nhiên, sử học với ý thức trung thực, chỉ cần viết đúng sự thật khách quan, là vô hình trung đã đạt được hai mục đích ấy, và cũng nhờ thế, mới có hiệu quả thuyết phục và sức thuyết phục ấy mới lâu bền.
.
(**) Ngay cả nhà báo, nhà nghiên cứu sử học Philippe Devillers, tác giả cuốn "Francais et Annamites, partenaires òu ennemis?", Nxb. Denoel, Paris, 1998 (bản dịch tiếng Việt của Bs. Ngô Văn Quỹ, "Người Pháp và người An Nam, bạn hay thù?", Nxb. Tổng hợp TP.HCM., 8-2006), cũng chưa thoát được tư duy, tâm lí và tài liệu đậm màu thực dân, mặc dù trong lời nói đầu, Phillipe Devillers ý thức rõ điều đó. Ngay cả nhan đề sách và những câu hỏi đề dẫn (quảng cáo), Philippe Devillers đã thể hiện một ý đồ biện minh, cố tình lấp lửng giữa xâm chiếm, cướp bóc, nô dịch với du khảo, khai hoá, truyền đạo, chứ không phải ngẫu nhiên lại nêu một câu hỏi chính và một loạt câu hỏi phụ thuộc loại "nước đôi" vớ vẩn như vậy.
.
Xin mở một ngoặc đơn ở chú thích này: Lẽ ra, tôi nên viết một bài về cuốn sách của Philippe Devillers, ít ra là đối chiếu các sự kiện quan trọng như "tứ nguyệt tam vương", "kinh đô quật khởi và bị thất thủ", "cuộc lưu đày biệt xứ và cái chết của Nguyễn Văn Tường tại Tahiti", nhưng thật không có gì thiếu cảm hứng hơn là phải lặp đi lặp lại những chi tiết, ý tưởng đã được thể hiện trong những cuốn sách tôi đã xuất bản (sách điện tử, sách in giấy). Kính mong người đọc vui lòng thực hiện thao tác này giúp khi đọc sách của tôi và sách của ông Philippe Devillers (đúng ra là không nên truyền bá loại sách như của Philippe Devillers!). Chỉ xin lưu ý rằng, cách viết sách của ông Philippe Devillers là hoàn toàn căn cứ vào sách của các tác giả thực dân Pháp và các nhà nghiên cứu sử Pháp vốn chịu ảnh hưởng của số tài liệu thực dân ấy; ông cũng không chịu khó nghiên cứu tư liệu gốc của Pháp và Hội Thừa sai của Paris (như ông đã tự trình bày ở Lời nói đầu); và kì quái thay, ông Philippe Devillers lại không hề biết đến tư liệu gốc "Đại Nam thực lục chính biên", "Châu bản" của triều Nguyễn! Về phương diện tư liệu này, mặc dù Philippe Devillers có tham khảo sách của Yoshiharu Tsuboi, "Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa" (bản tiếng Pháp), nhưng còn kém hẳn, so với Y. Tsuboi!

.



http://www.minhkhai.com.vn/Books.aspx?m=cat&catID=8
http://www.minhkhai.com.vn/BookInfo.aspx?ISBN=155551

20 : 44', 26-12 HB6 (2006)
& 9 : 07', 13 : 37', 27-12 HB6 (2006)
& 7 : 02', 17 : 59', 20 : 21', 29-12 HB6 (2006), 7 : 03', 30-12 HB6 (2006): có bổ sung (các chữ màu lục sẫm).

Trần Xuân An


__________________
.
GHI CHÚ VỀ VIỆC ĐƯA BÀI LÊN WEB & SỰ CỐ ĐỘNG ĐẤT Ở ĐÀI LOAN:
.
Trong buổi tối hôm qua, khi đưa lên trang web này bài trả lời thắc mắc trên, rất không may lại gặp lúc internet châu Á - quốc tế bị sự cố do động đất ở Đài Loan, chưa phục hồi kịp, nên cả trang web bị kẹt, không mở trọn vẹn được. Tôi phải đưa lên lại tất cả 7 tệp (từ tệp 0 đến tệp 6). Do đó, ở mục lịch đăng tải và lưu trữ, 6 tệp tháng 11 nhảy lên tháng 12. Xin lưu ý là không có sự sửa chữa nào.


Nhân đây, chỉ sắp xếp lại phần "bt." (biên tập) cho hai câu trích dẫn nguyên văn bản phiên âm chữ Hán và dịch nghĩa trong luận văn của anh Lê Tiến Công:

"Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường"
Tôi tạm "dịch":

(một sông hai nước, nạn nhiều thuyết
bốn tháng ba vua, điềm chẳng tường)
.


Cách đây, một vài tuần, tôi chỉ "bt." gợi ý cho anh Lê Tiến Công. Nay thấy cần viết rõ, hợp với tiểu đối như trên.

Trân trọng và cảm ơn.
TXA.

Không có nhận xét nào: