Thứ Sáu, tháng 12 29, 2006

5. TRẦN XUÂN AN -- KỈ NIỆM VÀ VÀI NÉT PHẢN BIỆN

KỈ NIỆM VỚI LÊ TIẾN CÔNG
VÀ VÀI NÉT PHẢN BIỆN LUẬN VĂN CỬ NHÂN SỬ HỌC CỦA ANH


Trần Xuân An

1


Trong mấy ngày đầu của một tháng 7, cách đây 4 năm, tôi có dịp ra Huế để tham dự Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886). Trong dịp ấy, tôi được biết thêm một người nghiên cứu trẻ tên là Lê Tiến Công. Đúng ra, trước đó khoảng một tuần, tôi cũng đã có vài phút chuyện trò với một người trẻ tuổi tôi chưa từng biết mặt, cũng chưa hề biết tên (mới hay bài tham luận của tôi, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi (05 tháng 7-1885)”, anh và các nhân viên của Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế đang gõ phím vi tính để in thành tập “Các báo cáo khoa học”, tài liệu chính của cuộc hội thảo). Tôi bắt đầu quen Lê Tiến Công qua giọng nói trước khi gặp, nhưng khi gặp Lê Tiến Công, thật sự tôi không có ấn tượng gì nhiều về anh trong lần đầu gặp mặt ấy, ngoại trừ một chi tiết: Lê Tiến Công nghiên cứu và viết luận văn cử nhân về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886).

Đến khi xuất bản xong bộ sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” (Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2004), tôi gửi sách tặng anh và nhờ anh chuyển tặng giúp đến các nhà nghiên cứu cùng một số nhà văn, thi sĩ ở Huế. Qua đó, tôi và Lê Tiến Công có dăm bảy cuộc điện thoại. Tôi càng hiểu anh là một người trẻ tuổi vừa tâm huyết với đề tài nghiên cứu, vừa rất nhiệt tình trong quan hệ, giao thiệp.

Có một điều rất đáng nhớ, trước hội thảo ấy khoảng hai tháng (5-2002), tôi mới sắm chiếc máy vi tính đầu tiên và lần đầu tiên gõ ngón tay mình vào bàn phím, sửa chữa, bổ sung và hoàn tất bản thảo “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), ‘những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được’”, chủ yếu là cùng hai đứa con xếp chữ phần phụ lục, trích đoạn “Đại Nam thực lục”. Nhưng một điều trở thành cái mốc kỉ niệm khó quên là chính bởi Lê Tiến Công, tôi mới bắt đầu nhờ người đã mua giúp máy vi tính, vỡ lòng cho tôi về vi tính – Bùi Quang Ngọc, một kĩ sư tin học trẻ quen thân –, nối mạng liên thông toàn cầu (internet) và mở hộp điện thư (email), vào khoảng thời gian đầu năm 2005, sau Tết Nguyên đán Ất dậu, chính xác là ngày 14-3 HB5 (2005). Tôi nối mạng liên thông để nhận luận văn cử nhân sử học của Lê Tiến Công từ Huế gửi vào. Đó là nguyên nhân trực tiếp. Nhưng nguyên nhân xa hơn, rộng hơn, là để trao đổi với những ai yêu quý sử học (và văn chương) trên khắp hành tinh của chúng ta, điều mà tôi đã viết trong “Lời thưa đầu sách” của cuốn sách “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), ‘những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được’”.

Sau hai hôm, sau vài cái điện thư thăm hỏi, ngày 16-3 HB5 (2005), lần đầu tiên tôi nhận và đọc một văn bản ở dạng điện thư có tập tin đính kèm như vậy.


2

Lê Tiến Công gõ phím với font VNtime new roman, hệ mã VietWares. Tôi lại không có phần mềm font và mã ấy. Khi in ra giấy để đọc, mỗi chữ đều bị một lỗi cách quãng, các kí tự không liền nhau thành chữ, nhưng vẫn có thể đọc được.

Với 84 trang giấy A4 trong tình trạng đó, luận văn của Lê Tiến Công vẫn chứa đựng tất cả công phu, trí tuệ và tâm huyết của một sinh viên năm cuối bậc đại học. Tuy nhiên, nhận thức lịch sử, phương pháp phân tích và quan điểm nhận định lịch sử của anh có những điểm tôi cho là chưa chính xác và thoả đáng, mặc dù về cơ bản, tôi thấy cách tiếp cận đề tài của anh khá gần gũi với những cuốn sách, bộ sách tôi đã viết và đã in vi tính hay đã chính thức xuất bản.

Dẫu rất quý mến và cảm nhận được một triển vọng tương lai là sẽ trở nên một nhà nghiên cứu tài năng ở Lê Tiến Công, tôi vẫn phải đối thoại phản biện với anh về những điểm cần thiết. Tuy nhiên, tôi quá bận nhiều việc khác, nên chỉ đề nghị anh đọc những cuốn sách tôi đã viết, xuất bản với hình thức sách in giấy hay sách điện tử (e-books). Tôi tự tin rằng, khi đọc xong số sách của tôi cùng đề tài anh nghiên cứu, viết luận văn, anh sẽ không thể không nhất trí với tôi.

Ít lâu sau, qua Yahoo Mail, anh có gửi điện thư với phần đính kèm vào TP.HCM.. Đó là một bài viết anh trích ra từ luận văn, có chỉnh lí, bổ sung: “Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống Pháp”.

Sau vài tháng, Lê Tiến Công có dịp vào TP. HCM.. Tôi và anh cùng người bạn gái của anh đã cụng li chúc mừng lần gặp mặt đó trong một tiệm ăn đặc sản Huế. Người bạn gái của anh vui vẻ nâng máy ảnh ghi hình chúng tôi, hai người đang ngồi đối diện với cô.


Hình ảnh:
Trần Xuân An & Lê Tiến Công,
khoảng tháng 10 HB5
(2005)
tại TP.HCM


Trong lần gặp mặt đó, hình như tôi có nhắc lại với Lê Tiến Công, bài viết về “tứ nguyệt tam vương” của anh, đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 220, tháng 9-2004, trừ một, hai chi tiết nhỏ bị sơ suất không đáng kể (thật ra Ưng Chân - Dục Đức với Ưng Kĩ - Đồng Khánh không phải là hai anh em cùng cha khác mẹ…), tôi hoàn toàn nhất trí với anh. Tôi cũng khá nhất trí với anh về bài viết anh mới gửi vừa rồi, và lấy làm tiếc là anh không công bố bài viết ấy rộng rãi hơn. Tôi biết anh cũng như tôi, rất ngại khi phải gửi bài ra hải ngoại. Nhưng tôi bị trói buộc quá sức, gặp dịp tôi cũng liều “ra trận”, “cọ xát” hay “vượt biên tinh thần” gì đó (đùa một chút!); còn anh, anh không dám. Anh có sự ràng buộc nào đó và chấp nhận sự ràng buộc ấy, ai cũng hiểu và thông cảm.


3


Đến khi chính thức xuất bản hai cuốn sách, “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa thực dân Pháp”“Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa”, với hình thức sách in giấy (9-2006), sau trên dưới một năm xuất bản trên mạng liên thông toàn cầu, tôi có cảm giác của một tác giả có nhu cầu đối thoại. Chợt nhớ lại luận văn cử nhân và bài viết phát triển từ luận văn ấy của Lê Tiến Công, tôi đề nghị anh đồng ý đưa lên web của tôi. Lê Tiến Công nhất trí. Anh gửi vào bản luận văn ấy lần thứ hai.

Bản thứ hai này, cũng qua đường Yahoo Mail, tôi khỏi dùng VietSpell để chuyển thành hệ mã unicode. Anh đã tỉa bớt những câu, những đoạn ở phần mở đầu, có tình chất quy phạm của một luận văn. Hầu như anh không sửa chữa, bổ sung gì thêm.

Và lần này, sau khi đưa lên web bài viết trích ra từ luận văn ấy, tôi đưa lên luôn cả luận văn cử nhân sử học (2002) của Lê Tiến Công. Như thế thì rất cần phải góp ý, phản biện với một người đã vừa bảo vệ thành công luận án thạc sĩ (2006). Mặc dù luận án thạc sĩ của Lê Tiến Công viết về đề tài khác, nhưng tôi tin chắc về mặt phương pháp luận và “tay nghề” nghiên cứu của anh đã vượt xa trình độ của chính anh cách đây đã 4 năm về trước. Dẫu vậy, tôi chưa rõ Lê Tiến Công thạc sĩ hiện tại đang thẩm định lại luận văn cử nhân của anh như thế nào. Trong giới nghiên cứu cũng như sáng tác, có khi những công trình, tác phẩm đầu tay lại là những gì một đời tâm đắc nhất, cho dù bao giờ cái đầu tay cũng còn những vụng về, non nớt về kĩ thuật, phương pháp, vốn kiến thức và kinh lịch (vốn sống trải nghiệm). Tôi muốn nói, luận văn cử nhân của anh có nhiều chi tiết nhỏ và vài điểm mấu chốt đến nay chắc hẳn anh đã nhận ra tính chất sai lệch trong đó, mặc dù nhìn chung về cơ bản là xứng đáng để lưu giữ, sửa chữa, bổ sung và phát triển.

1. Về giai đoạn đầu dân tộc ta chống thực dân Pháp, dưới ngọn cờ phong kiến nhà Nguyễn (1858 – 1885), tôi chỉ nhấn mạnh đến một nhận định có tính chất bao trùm, xuyên suốt của anh:

“… Tình hình đó đã gây cho địch nhiều hoang mang lo sợ. Nhưng cũng chính lúc đó triều đình Huế lại ký với Pháp hiệp ước 5 / 6 / 1862, cắt 3 tỉnh Miền Đông và Côn Lôn cho Pháp cùng với những nhượng bộ nặng nề khác. Mục đích của triều đình Huế là để rảnh tay đối phó với cuộc nổi dậy ở Bắc Kỳ. Trong suy tính của triều đình, nước ta sẽ lấy lại được ba tỉnh miền Đông một khi đã giải quyết xong việc Bắc Kỳ. Như vậy, có thể nói, triều đình Huế sợ nhân dân hơn sợ giặc (nhấn mạnh – TXA.). Vì vậy đã tạo điều kiện về thời gian hòa hoãn cho quân Pháp củng cố lực lượng, tiếp tục âm mưu xâm lược nốt ba tỉnh miền Tây. Đến 6 / 1867, thực dân Pháp chỉ mất 5 ngày để thực hiện xong mục tiêu đó mà không tốn một viên đạn, một tên lính nào. Nhưng ngay sau đó, phong trào kháng Pháp của nhân dân lại tiếp tục dâng cao, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Phan Tam - Phan Ngũ, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân... Phong trào kháng Pháp lan rộng khắp Nam Kỳ, khiến cho kẻ thù khiếp sợ. Nhưng cuối cùng, do triều đình Huế cố tình bỏ rơi, tìm cách ngăn cản, thậm chí tiếp tay cho giặc Pháp đàn áp phong trào, vì vậy các cuộc khởi nghĩa lần lượt thất bại”.

Tôi nhận thấy Lê Tiến Công đã ít nhiều viết theo sách giáo khoa và sách giáo khoa hiện nay lại mang những “di căn” của Đàng Ngoài, một Đàng Ngoài của vua Lê chúa Trịnh thất bại, và bị thống trị, kìm chế bởi nhà Nguyễn Đàng Trong. Mặt khác, Lê Tiến Công viết theo quan điểm và lập trường chống guồng máy cai trị, mà chống guồng máy cai trị cho dù ở thời đại nào, quan điểm, lập trường ấy hình như cũng luôn luôn có sức lôi cuốn. Nói đơn giản là cứ cho nhân dân tất thảy đều đúng và chính quyền tất thảy đều đáng lên án, thì mới nghe qua, cảm thấy rất thuận lòng dân và thuận lòng kẻ sĩ, trí thức vốn dễ thân dân. Anh không biết rằng Đàng Ngoài thường xuyên nổi dậy chống triều Nguyễn với ngọn cờ đã bị lịch sử vượt qua là “phù Lê” sao? Và không biết “giặc theo đạo Gia-tô” ở Đàng Ngoài là rất đáng sợ đối với triều Nguyễn sao? Tạ Văn Phụng (Lê Duy Phụng) là tiêu biểu. Rồi lại thêm loại “giặc Cờ”, tàn dư Thái Bình thiên quốc biến tướng thành phỉ, mưu toan xưng hùng xưng bá ở Bắc Kỳ! Thật ra, Lê Tiến Công có đề cập đến, nhưng khi nhận định, hầu như anh theo nếp mòn là rặt một giọng lên án triều Nguyễn. Rõ ràng là thiếu nhất quán và khá mâu thuẫn! Đâu phải chỉ viết “có thể nói, triều đình Huế sợ nhân dân hơn sợ giặc”, theo mạch văn là giặc Pháp, mà quên rằng trong nhân dân còn có loại giặc nội loạn, giặc “tả đạo”, giặc “phù Lê”.

Có lẽ Lê Tiến Công cũng cần bổ sung quan điểm toàn cục, nhìn rộng ra toàn cảnh thế giới trong các thế kỉ từ XVI đến XIX, đầu thế kỉ XX, để từ đó thấy tình cảnh của hầu hết các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh, kể cả Trung Hoa, khổng lồ về địa dư và dân số, trước nạn thực dân Phương Tây, Âu Mỹ nói chung! Nói đúng hơn, không phải Lê Tiến Công không hiểu và không đưa vào luận văn quan điểm đó ở một vài chỗ, nhưng chỉ một vài chỗ mà thôi, còn tựu trung Lê Tiến Công vẫn chỉ đóng khung với quan điểm cục bộ, thấy Đại Nam chứ không thấy toàn cảnh Á, Phi, Mỹ la-tinh, trong đó, có cả Trung Hoa, và có thể kể thêm Ấn Độ khổng lồ!

Bấy giờ, vũ khí lạc hậu là một trong vài nguyên nhân chung của nhiều nước, dẫn đến sự thất bại trước liên quân Phương Tây, Âu Mỹ xâm lăng. Vũ khí quyết định cách chiến đấu của người chiến sĩ, quyết định binh pháp của các tướng cầm quân. Các vị danh tướng, như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Tá Viêm, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết, với vũ khí và binh pháp cổ truyền, đều thất bại đau đớn trước vũ khí và binh pháp Phương Tây, cụ thể là Pháp, Tây Ban Nha! Chẳng lẽ Lê Tiến Công không thấy được điều này sao?

Nói cho công bằng, triều Nguyễn chịu trách nhiệm về việc mất nước. Nhưng đâu phải chỉ triều Nguyễn, mà chính là giáo dân Thiên Chúa giáo Việt Nam và chính một bộ phận khá lớn nhân dân Đàng Ngoài, phải chịu chung trách nhiệm ấy. Đồng thời, phải thấy trình độ chung về khoa học kĩ thuật của các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh, trong đó có kĩ thuật hàng hải, công nghệ vũ khí và điện báo nữa!

Ngoài ra, tưởng cũng cần nhắc thêm: Nước ta không chỉ đối diện với sự xâm lược của liên quân Phương Tây (Pháp, Tây Ban Nha...), mà còn đứng trước mưu toan xâu xé, chia đôi Bắc Kì với Pháp của Trung Hoa! Trung Hoa còn kí hiệp ước Thiên Tân (27 - 4 Ất dậu [09 - 06 - 1885]), câu kết với Pháp, cô lập hoàn toàn nước ta nữa!

2. Về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), mặc dù nhìn chung, Lê Tiến Công cố gắng làm sáng tỏ khá nhiều những điểm anh gọi là “điểm gút” về ông. Tuy vậy, điểm mấu chốt nhất là cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ (05 - 7 - 1885 / 23-5 Ất dậu) và hai tháng sau đó, anh phân tích, lí giải không thật đúng với sự thật lịch sử. Một điều khá tai hại là anh sử dụng các nguồn tư liệu nhưng không phân loại tư liệu, xác định độ khả tín của từng nguồn tư liệu. Những trích dẫn của anh, có chỗ anh chỉ lẩy ra các đoạn tệ hại nhất, nhưng không phân biệt thể loại (châu bản, sử [biên niên hay khảo luận], vè, thơ, bài báo…) và do đó anh nhận định sai lạc. Chỉ cần nói một điều: “Vè Thất thủ kinh đô”“Hạnh Thục ca” là loại văn vần có cốt truyện. Chắc hẳn anh thừa biết, theo diễn biến cốt truyện, có khi nhân vật có thể bị đẩy vào tình huống tệ hại nhất để rồi sau đó mới thấy được thực chất trong sáng của nhân vật. Hai đoạn anh trích dẫn viết về thời điểm Nguyễn Văn Tường vào Nhà Chung gặp cố đạo Caspard (cố Lộc hay cố Kim Long), không phải là hai đoạn kết luận về thực chất của Nguyễn VănTường! Đó là chưa nói đến tính xác thực của loại văn chương công khai thời mất nước, mà tôi từng viết:

“Súng rền, khâm sứ bôi nhoà
Hòm tù đỏ, ‘Hạnh Thục ca’ hoen vàng
‘Vè Thất thủ’ giữa dân gian
Giọng run lệch, bởi chuông vang giáo đường”

(Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa”, Nxb. Thanh Niên, 2006, tr. 291 – 292).


Và đây là hai đoạn tôi phân tích sơ lược về hai tác phẩm đó, chắc Lê Tiến Công đã đọc.


Về “Vè Thất thủ kinh đô”:

“Cước chú của bài thơ số 27, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*a) Vè “Thất thủ kinh đô”, theo chúng tôi, cũng rơi vào quỹ đạo của luận điệu tuyên truyền do Pháp và triều đình Đồng Khánh tung ra. Đây là một thủ đoạn rất tinh vi của thực dân Pháp; hoặc do dân gian mù lòa trong nhận thức, nhận thức chính trị với tư duy đơn giản kiểu rạch ròi, tuyến tính cứng nhắc trong các vở tuồng cổ, cải lương, chèo cổ, mà vô hình trung có lợi cho Pháp và bọn tay sai.

Ca ngợi Tôn Thất Thuyết lại bằng những câu:

“Chú nào con vợ chưa thành
Cho về sở định sở sanh việc nhà
Chú nào lưa mẹ còn cha
Cho về bảo dưỡng, vậy mà đừng đi”

Có nhà sử học, nhà văn cho rằng đấy là chủ nghĩa nhân đạo của Tôn Thất Thuyết!

Không đời nào có kiểu tuyển quân kháng chiến kì quặc với các tiêu chuẩn như thế. Thế thì chẳng còn người lính kháng chiến nào hết (chỉ chọn người đã mồ côi cha mẹ và đã có vợ con!). “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” (tục ngữ), “mỗi người làm một trận” (Nguyễn Trãi), “đàn ông nào, đàn bà nào, thấy Tây cứ chém phứa, thấy Nhật cứ chặt nhào” (Hồ Chí Minh), chứ đâu phải tuyển quân kiểu đó! Tuyển quân kiểu đó, không phải kháng chiến, mà chỉ “băng mình tếch dặm sơn phòng náu nương” (VTTKĐ., câu 1036)!

Vè “Thất thủ kinh đô” chỉ minh họa theo luận điệu của thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh: Tôn Thất Thuyết chỉ tìm kế thoát thân, chứ chẳng kháng chiến gì cả.

Vè “Thất thủ kinh đô” đã bắn vào tim Tôn Thất Thuyết viên đạn bọc đường: giết chết nhân cách Tôn Thất Thuyết bằng viên kẹo ca ngợi ngọt lịm mà bên trong là mũi đạn có thuốc súng công phá.

Còn với Nguyễn Văn Tường, vè “Thất thủ kinh đô” triệt hạ cả tư cách, phong độ lẫn lập trường chính trị. Tuy vậy, vẫn nói rõ: đến mức không thể hòa hoãn với Pháp được nữa, bởi Pháp cố tình gây hấn, dùng kế khích tướng, ép Triều đình một cách ngạo mạn, ông đã bày tỏ thái độ (tuy bị nhu nhược hóa!):

“Ai có tài ra chốn binh đao
Miễn yên nhà [yên] nước, lẽ nào dám can”
(VTTKĐ., câu 633 - 634)

Và ở đoạn kết, lúc kinh đô Huế đã thất thủ:

Đô thành, quan Quận giao hòa
Lựa chiều hơn thiệt nói mà với Tây
Tây phiên gẫm vẫn giận thay:
– “Đem lòng cự chiến còn đến đây làm gì?
May mà Nam Việt bại suy
Tây mà bại, đạo phen ni cũng không còn...”
(VTTKĐ., 1335 - 1340)

Quan một cho đến quan ba
Quan năm quan sáu vậy mà cũng nghe
Đòi triệu các quan tỉnh trở về
Sự tình y ước cho ra bề đục trong
Tin thì tin, dạ còn phòng
Nam triều tể tướng nó đem lòng phục binh

(VTTKĐ., 1371 - 1376)

“Mời quan tể tướng xuống mau
Để kịp xuống tàu về nước Lang Sa”
(VTTKĐ., 1535 - 1536)

Dẫu có chút nào đúng với ĐNTL.CB., tập 36, các trang 63 - 64, 220 - 222, 247, tuy tinh thần chủ chiến đã bị xuyên tạc phần lớn, thì những đoạn khác vẫn có quá nhiều sai lạc nghiêm trọng (sai lạc cả những chi tiết nhỏ lẫn những mảng hiện thực lịch sử lớn).

Vè “Thất thủ kinh đô” không phân biệt được chủ chiến trong đấu tranh chính trị, ngoại giao và chủ chiến bằng vũ trang là một, “nhất dạng”, dẫn đến sự lệch lạc trong việc xây dựng hình tượng nhân vật theo tưởng tượng hư cấu chủ quan.

Vè “Thất thủ kinh đô” đã xuyên tạc, li gián cả hai người lãnh đạo cao nhất của nhóm chủ chiến, làm phong trào Cần vương hoang mang, tan rã, khiến người yêu nước không nhận ra thủ đoạn tuyên truyền của Pháp và triều Đồng khánh, rất dễ bị mắc lừa!

Vè “Thất thủ kinh đô” còn là cách biện minh cho Pháp, tả đạo, bọn tay sai và phe chủ “hòa”! (Xem các bài dụ của Từ Dũ – Nguyễn Nhược thị Bích viết thay – và của Đồng khánh về Tôn Thất Thuyết). Chả thế mà Le Bris đã dịch ra tiếng Pháp, đăng trên tạp chí "Những người bạn cố đô Huế" (BAVH.), số 1, năm 1942... (xem thêm tr. 235).

Chúng tôi chưa nói đến vè “Thất thủ Thuận An”, một sáng tác được cho là của dân gian vì đã lưu truyền trong dân gian, với những sai lạc, những xuyên tạc nghiêm trọng của nó: “đánh tráo nhân vật hư cấu”, Nguyễn Trọng Hợp thành Nguyễn Văn Tường, đồng thời biện minh cho tên thực dân tả đạo Caspar! Tên cơ hội, tay sai Nguyễn Trọng Hợp thì Đại Nam thực lục, chính biên, tập 36, 37 và Đại Nam liệt truyện, tập 4, sđd., đã ghi quá rõ hành trạng của y cũng như ý thức làm tay sai cho Pháp của y...”.

(Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Thơ – Vài nét về con người tâm hồn, tư tưởng”, chú thích ở bài thơ số 27:
http://tranxuanan-writer-6.blogspot.com
/2006/11/nguyen-van-tuong-1824-1886-tho-vai-net_1864.html
).


Cũng như nhà thơ Lương An, tôi không nói đến bản “Vè Thất thủ kinh đô” tái chế, giả mạo được viết lại vào năm 1969, sau Tết Mậu thân 1968 ở Huế:

“ … trích dẫn "Vè thất thủ kinh đô" ở một dị bản nào đó với một đoạn mà trong 7 bản lưu hành trước đây do Lương An sưu tầm, chỉnh lí, đều không có đoạn ấy. Có thể đoạn ấy thuộc dị bản thứ 8, gọi là "bản Đạm Hiên". Lương An đã thẩm định bản Đạm Hiên này như sau: "Cũng xin nói thêm là chúng tôi có một bản đánh máy bản do ông Đạm Hiên ở Huế hiệu đính năm 1969. Nhưng đây là một bản gần như viết lại hoàn toàn, không phải là hiệu đính, nội dung lại có nhiều lệch lạc. Bản này chúng tôi không dùng" (Lương An, bản thảo "Vè chống Pháp", viết tay, chụp lại; tr. 2 của bài "Về công tác văn bản và chú thích vè "Thất thủ kinh đô"" thuộc bản thảo này)”.

(Kiến Phúc – Wikipedia
http://tranxuanan-wikipedia.blogspot.com
/2006/06/wikipedia-kin-phc-bn-lu-b.html
).



Về
“Hạnh Thục ca”:

“(3). Trần Trọng Kim nhận định về tác giả Hạnh Thục ca: “… Bà Lễ tần Nguyễn Nhược Thị [Bích] có thể biết đúng sự thực theo cái quan điểm của người mình bấy giờ” [!] [nhấn mạnh – TXA.]. (HTC., lời tựa Trần Trọng Kim, sđd., tr. X). Nhận định ấy, phải nói là sâu sắc: nhận thức sự thật lịch sử theo lăng kính riêng và lăng kính thời đại phong kiến. Theo Trần Trọng Kim, đó là quan điểm (:lăng kính) bảo hoàng. Ông ta cũng trình bày rõ, bản HTC. ông tìm được đã bị chép lại và chép sai nhiều chỗ. Trong lời tựa và ở phần chú thích, Trần Trọng Kim bị sức ép lộ liễu hoặc ngấm ngầm của cường quyền thực dân, nên đành phải cố tình xuyên tạc thêm. Vì thế, ít nhiều đã rơi vào mục đích “đập tan tành” uy tín Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, theo ý đồ của thực dân Pháp, tả đạo. Do đó, trừ đi mấy chỗ ấy, còn lại, những đoạn HTC. khẳng định nét tích cực (yêu nước, chống Pháp đến cùng …) của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã trở thành vô cùng giá trị, đạt mức xác tín cao. Và cũng với mức xác tín cao như vậy, đoạn HTC. viết về âm mưu của Rheinart và Hồng Hưu trong cái chết của Kiến Phúc (HTC., sđd., tr. 31 – 34). Xin xem kĩ ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 176 – 177.

Cần nói thêm: Trần Trọng Kim ít nhiều có tinh thần dân tộc, chống Pháp. Trong thời bị Pháp đô hộ, ông ta chỉ là một nhà giáo, học giả. Đến thời phát xít Nhật xâm lược, Trần Trọng Kim mới … “bị mời” làm thủ tướng!”.


(Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa”, bài “Bi kịch ở đỉnh điểm mâu thuẫn và sự chiến thắng của nhóm chủ chiến yêu nước triều đình Huế”:
http://tranxuanan-nvtnntnghia.
blogspot.com/
).


Trong "Hạnh Thục ca", ở những đoạn cuối, mới phần nào khẳng định được nhân cách và thái độ, ý thức chính trị chống Pháp, chống bọn tay sai của Nguyễn Văn Tường:

Pháp nhân [= người Pháp] lập ước hội đồng
Những điều lấn hiếp khó lòng y theo
Văn Tường chẳng khứng thuận chiều
Trái tình, Hữu Độ mượn điều Bắc quy”

(HTC., sđd., tr. 48).


Điều quan trọng nhất, có lẽ là ta đừng bao giờ mắc mưu của bọn xấu, chuyên xuyên tạc, bôi nhọ vì mục đích chính trị xâm lược bằng cách trích dẫn tràn lan tác phẩm của chúng, hoặc sử dụng tư liệu có xuất xứ là các tác giả vô tình mà trở thành cây bút xấu (viết trong vòng vây của thực dân, tả đạo chẳng hạn). Ta cứ trích dẫn như thể liệt kê mà không hề thẩm định khảo chứng các nguồn tư liệu ấy, làm như ta khách quan, trung lập, vô tư, nhưng thực chất là ta ngây thơ! Tôi đã từng viết để đối thoại với một người, đại để, ví dụ ở đây: Lê Tiến Công không bao giờ “đạo văn” (xin lỗi Lê Tiến Công, khi ví dụ như thế), nhưng có một bài báo vu khống Lê Tiến Công như vậy; vậy thì khi viết tiểu sử Lê Tiến Công, ta có trích dẫn bài báo đó hay không? Trích dẫn bài báo ấy là mắc mưu chúng!

Trong luận văn của Lê Tiến Công, bản anh gửi cho tôi đọc vào ngày 16-3-2005, có đoạn anh trích một câu của một tác giả kinh điển Marxiste (tôi viết hoa): ““Trong mọi vấn đề thuộc khoa học xã hội học, phương pháp chắc chắn và cần thiết để thực hiện [là – ct.] có được thói quen đề cập vấn đề một cách đúng đắn và không bị sa đắm vào rất nhiều chi tiết hoặc nhiều ý kiến đối lập nhau (nhấn mạnh – TXA.). Điều kiện quan trọng nhất của sự nghiên cứu khoa học là không nên quên sự liên hệ lịch sử, căn bản là nhận xét vấn đề theo quan điểm sau đây: Một hiện tượng nào đó đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, các giai đoạn phát triển của nó là gì, [mà??? / và] đứng trên quan điểm của sự phát triển [về quá trình phát triển – ct.] của nó để xem xét hiện nay hiện tượng đó đã trở nên như thế nào” [41, 512]” (thứ tự tư liệu tham khảo: 41: Các Mác – Ăngghen, Chủ nghĩa Mác, NXB Sự Thật, H. 1970, tr. 512).

Tôi nhận thấy chúng ta cần phải tỉnh táo như thế: “đề cập vấn đề một cách đúng đắn và không bị sa đắm vào rất nhiều chi tiết hoặc nhiều ý kiến đối lập nhau” (nhấn mạnh – TXA.) [*]. Những câu hỏi muôn thuở, muôn nơi của người nghiên cứu vẫn là: Who? What? When? Where? Why? How?. Lê Tiến Công có dùng thuật ngữ: phương pháp lịch sử; anh còn nhắc đến phương pháp lô-gic, và phương pháp cụ thể hơn: đối chiếu, so sánh, phân tích, tổng hợp tư liệu; nhưng quên một thuật ngữ chính xác hơn: khảo chứng tư liệu, trong đó có phân loại tư liệu; và cần thiết phải diễn đạt rõ hơn nữa: quan điểm về sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong mối tương tác với các sự vật, hiện tượng khác; quan điểm lịch sử - cụ thể, cái nhìn bao quát cả bộ phận lẫn toàn cục


Và về tư liệu gốc, mong Lê Tiến Công đừng quên bản án chung thẩm cực kì quan trọng, do ngụy triều Đồng Khánh kết án nhóm chủ chiến (có chữ kí của De Courcy), và chúng đã thi hành án này đối với Nguyễn Văn Tường:

“Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo”. (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 35).

Hai điều nhỏ cuối bài, xin được góp ý với Lê Tiến Công:

+++ Ngày tháng lịch sử trong luận văn của anh không được chính xác lắm, như thể anh đã vô tình viết sai hẳn hoặc gõ phím nhầm quá đáng.

+++ Với các trích đoạn tư liệu, rất cần thiết phải kiểm tra lại kẻo bị thiếu sót hoặc bị sai chính tả, nghiêm trọng nhất là bị sai chữ (chữ “tác” thành chữ “tộ”).

Và tôi tạm ngừng bài viết ở đây. Mong Lê Tiến Công đọc kĩ những cuốn sách, bộ sách tôi viết về đề tài “nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) trong bối cảnh nửa sau thế kỉ XIX” và đã xuất bản bằng hình thức sách in giấy, sách điện tử. Xin đọc thật kĩ và đối chiếu từng chi tiết [**]. Tôi tin rằng Lê Tiến Công sẽ chỉnh lí lại luận văn của anh [***], để luận văn ấy trở thành một cuốn sách hẳn hoi.

Mong rằng bài viết này cũng là một kỉ niệm của chúng ta.

Từ khoảng 8 giờ sáng đến 16 giờ 28’,
thứ năm (thứ sáu cũ), 24 - 11 HB6 (2006)

Trần Xuân An



& 6 : 35 - 15 : 36, 25 - 11 HB6 (2006).

______________________________

[*] Ở đây, xin hiểu ý tưởng "không bị sa đắm vào rất nhiều chi tiết hoặc nhiều ý kiến đối lập nhaukhông có nghĩa là phủ nhận các thông tin, các nhận định có nhiều xuất xứ khác nhau trên cơ sở tôn trọng tối đa sự thật lịch sử. Một khi đã tôn trọng tối đa sự thật lịch sử (bao gồm sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử), các chi tiết và các ý kiến mặc dù đối lập nhưng về cơ bản tất nhiên là thống nhất với nhau. Ý tưởng của câu trên chỉ diễn đạt các chi tiết và ý kiến đối lập trong mâu thuẫn đối kháng, quyết tiêu diệt nhau. Các chi tiết và ý kiến nảy sinh từ mâu thuẫn đối kháng thường là xuyên tạc, chụp mũ, bôi nhọ bất chấp sự thật lịch sử, và càng nguy hiểm hơn, nếu các chi tiết và ý kiến ấy được bịa ra, lại được biểu đạt với các thủ thuật, thủ đoạn tinh vi trong kĩ xảo tuyên truyền (văn chương, hình ảnh...). Vì thế, vấn đề đặt ra một cách khoa học và nghiêm cẩn là phải khảo chứng tư liệu, trên cơ sở phân loại tư liệu, trong đó có cả việc loại bỏ những tư liệu giả, xuyên tạc, bôi nhọ, xuất phát từ tâm thế chính trị hay do mục tiêu chính trị, và tư liệu được viết ra bởi những người vô tình bị mắc mưu tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ. Cố nhiên việc loại bỏ các thứ tư liệu loại ấy phải được công bố rộng khắp. Ngay trong thư mục tham khảo, nó cũng cần phải được ghi chú rõ ràng để người đọc khỏi bị vướng mắc vô lối.

11 : 15' & 14 : 18', thứ nhất (thứ hai cũ), ngày 27-11 HB6
[7-10 Bính tuất HB6].
TXA.


[**] Có thể vì điều kiện thời giờ eo hẹp, khó có thể đọc hết và đọc thật kĩ tất cả những cuốn sách, bộ sách tôi đã viết về đề tài này để đối chiếu. Vì vậy, vui lòng lưu ý bài viết cơ bản và quan trọng nhất:
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886)
VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ
SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05 - 7 - 1885)


Trân trọng & thành thật cảm ơn.

28-11 HB6 (2006)
[08-10 Bính tuất HB6]

[***] Thật ra, Lê Tiến Công đã có bài viết:

PV (Lê Tiến Công), BỘ TRUYỆN - SỬ KÝ - KHẢO CỨU TƯ LIỆU LỊCH SỬ "PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886)" Tạp chí Huế Xưa & Naysố 68 (3 – 4) 2005mục Thông tin lịch sử – văn hoá Huế, tr. 103 – 104
http://tranxuananpcdtnvt4c.blogspot.com/


_______________

Thử nghiệm tại website

GOOGLE DOCS & SPREADSHEETS:

http://docs.google.com/

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_16fbm6nq (page 1)

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_17dpvqkk (page 2)

_____________________________________________

Ngày 11-12 HB6 (2006):

Thử nghiệm cách trình bày nền của bài viết:

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_87cs9vnm

______________________________________

Về câu ở phần lề bên dưới các trang này ==>> Không ai có quyền sửa chữa các bài báo nghiên cứu, bình luận và luận văn, ngoại trừ các tác giả (nếu hai tác giả Nguyễn và Lê muốn sửa, họ sẽ gửi điện thư đến TXA.) [[About the sentence at the bottoms of these pages ==>> Nobody have permission for editting the contributions of comment, research and dissertation, except the authors (if two authors Nguyen and Le want to edit, they will send emails to TXA.)]] -- TXA.

1 nhận xét:

Unknown nói...

That tiec toi hom nay toi moi doc duoc bai viet nay.Toi thay bai viet kha sac sao va kha an tuong. Nhung nhan xet cua tac gia ve nhung bai viet cua Le Tien Cong rat hay tuy nhien toi cung co mot so y kien sau:
- Toi dong y voi tac gia khi nhan xet bai viet cua Le Tien Cong rang Trieu Nguyen so dan hon so giac. Thuc su cho toi bay gio nhung hieu biet cua toi ve trieu Nguyen cung chua nhieu nhung toi dam khang dinh rangnhung hieu biet do da phan nao duoc cai thien so voi nhung gi toi duoc biet o truong pho thong. Phai noi rang dung truoc tinh hinh luc bay gio trieu Nguyen cung dang dung truoc rat nhieu thu thach va trieu Nguyen cung co cai kho rieng cua minh.Khong phai trieu Nguyen khong muon chong Phap nhung nhu da noi trieu Nguyen tu thay tiem luc cua minh yeu hon rat nhieu so voi cua Phap.mat khac cung nhan thay thai do cua nhung nguoi dan dang ngoai doi voi trieu Nguyen,lieu ho co thuc su de cho trieu Nguyen ranh tay chong Phap hay van luon muon tim co hoi de lat do vuong trieu duoc coi la phan dong nay?hon nua cung phai thay rang thai do cua trieu Nguyen luc do cung co phan de hieu.noi nhu vay khong co nghiala phu nhan nhung "toi " cua trieu Nguyen.
- tiep theo toi muon noi rang toi chua thuc su dong y voi tac gia khio nhan xet su that bai cua trieu Nguyen con qua de cao su lac hau cua vu khi.Toi tu nhan thay rang vu khi cung co anh huongf khong nho toi su that bai cua trieu Nguyen trong cuoc khang Phap nhung toi thay nguyen nhan chu yeu la do nhung sai lam cua trieu Nguyen trong cach chi dao dong thoi la thai do khong kien quyet khang phap bang vu luc cua trieu Nguyen ngay tu dau chu khong phai phan nhieu dop vu khi.Do la y kien cua toi.Nhin chung toi van con rat mau thuan khi danh gia ve trieu Nguyen va nhung hieu biet cua toi ve trieu dai nay van con nhieu han che mong duoc tac gia bai viet chi giao them.Toi dang thuc hien de tai nghien cuu khoa hoc ve trang bi vu khi cua trieu Nguyn cuoi the khi XIX vi vay dang rat can su gop y cua nhieu nguoi,nhung y kien ma moi nguoi cung cap cung nhu nhung tai lieu ma moi nguoi co the cung cap de dem ra trao doi thuc su se rat bo ich doi voi toi . Xin cam on