Thứ Sáu, tháng 12 29, 2006

1. NGUYỄN ĐẮC XUÂN - TRẦN XUÂN AN -- TRAO ĐỔI NGOÀI SÁCH

Tạp chí điện tử GIAO ĐIỂM
số tháng 8-2005

( posted: 19.6.2005 )
re-posted: 22.8.2005



Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885)
Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)
khó thoát khỏi bước đường cùng


NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Sau hai hội thảo về nhân vật Nguyễn Văn Tường (1824-1886) (1), giới sử học có đủ thông tin để khẳng định:

- Nguyễn Văn Tường là người cùng với Tôn Thất Thuyết đứng đầu phe chủ chiến chống Pháp trong triều đình Huế từ sau ngày vua Tự Đức băng hà (19.7.1883) cho đến trước ngày Thất thủ Kinh đô (5.7.1885), nhưng Nguyễn Văn Tường không hay biết gì về quyết định của Tôn Thất Thuyết tấn công Pháp đêm 5.7.1885;

- Do không biết có quyết định đó cho nên Nguyễn Văn Tường không hề chuẩn bị theo xa giá vua Hàm Nghi xuất bôn; bởi thế không thể có chuyện Nguyễn Văn Tường “ra đi mà bị bà Từ Dũ bảo ở lại để lo việc thương thuyết với Pháp” hoặc “trốn ở lại để đầu hàng Pháp” mà chính vì Nguyễn Văn Tường là một trọng thần lo việc ngoại giao của triều Nguyễn đang ở tại Triều được bà Từ Dũ - người có ảnh hưởng lớn nhất đối với triều Nguyễn trong thời điểm đó, giao nhiệm vụ đi thương thuyết với Pháp để hạn chế bớt sự thiệt hại do cuộc tấn công Pháp bất thành đêm 5.7.1885.

Nội dung bài viết nầy đề cập đến một vấn đề khác: Trong cuộc đấu tranh một mất một còn giữa “Phe chủ chiến” trong triều đình Huế và thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt như thế, phe chủ chiến thua tan tác đến thế mà Nguyễn Văn Tường với tài ngoại giao của mình vẫn có thể thực hiện được nhiệm vụ của bà Từ Dũ giao là tìm cách “ổn định tình thế, thành lập lại một chính phủ Nam triều mới để thương thuyết với Pháp thực hiện Hiệp ước Patenôtre 1884” như thế. Nhưng rồi vì sao Nguyễn Văn Tường vẫn bị xô đẩy vào bước đường cùng ? Có phải vì quân chiếm đóng “vắt chanh bỏ vỏ”, Nguyễn Văn Tường bất tài hay vì một lý do nào khác ?

1. Người Pháp không tin nhưng vẫn dùng

Trong những ngày đầu Hè 1885, tình trạng cả Bắc Kỳ lẫn An-Nam đều hỗn loạn. Cuộc xuất bôn của Hàm Nghi và hịch Cần Vương đặt De Courcy cùng quan chức Pháp vào một tình trạng hết sức lúng túng. Trước hết, áp lực tranh cử ở Pháp vào tháng 10/1885 khiến cả Bộ Ngoại Giao lẫn Bộ Chiến tranh đều phải tìm cách giới hạn và kiểm soát những hậu quả chính trị của sự kiện Huế, họ không muốn lôi kéo sự chú ý của dư luận Pháp thêm nữa. Bởi thế, Paris chỉ thị cho De Courcy phải tiếp tục duy trì Nguyễn Văn Tường, chờ ngày Hàm Nghi hồi cung. Điều đó chứng tỏ Pháp không tin gì Nguyễn Văn Tường nhưng vào thời điểm đó muốn chờ đón vua Hàm Nghi về thì [xđc.1] không sử dụng Nguyễn Văn Tường thì không thể dùng được bất cứ một người nào khác. Vì không tin cho nên De Courcy bắt Nguyễn Văn Tường phải ngồi làm việc tại toà Thương Bạc (2). Để kiểm soát Nguyễn Văn Tường, De Courcy giao cho một đại đội lính Pháp ngày đêm luôn phiên canh giữ.

Nguyễn Văn Tường, trong lúc không được Pháp tin cậy mà lại phải đương đầu với những đối thủ rất nặng ký. Đó là Giám mục Puginier - cố vấn của lực lượng chiếm đóng Kinh đô Huế; là Nguyễn Hữu Độ - người “không có phong độ đại thần” nhưng “ngoan ngoãn” (docile), được các giới chức Pháp hoàn toàn tin cậy (3); là Ưng Kỹ - “người cháu đích truyền” đang được các giới chức Pháp bảo vệ để sử dụng làm bù nhìn cho Pháp sau đó.

2. Đương đầu với Giám mục Puginier

Theo Puginier - cố vấn De Courcy – thì cuộc tấn công đêm 4 rạng 5/7/1885 không chỉ do Đệ nhị Phụ chính Thuyết mưu định, vì ông Thuyết không đủ ảnh hưởng hay quyền lực để thực hiện một kế hoạch quan trọng và nguy hại đến như thế. Muốn làm một việc lớn đến như thế ắt hẳn cả hai Phụ chính cùng chủ mưu với sự thỏa thuận của triều thần. Họ tin rằng sẽ chiến thắng hoặc ít ra cũng gây thiệt hại lớn cho quân Pháp. Cho đến khi bị thất bại, “Thuyết mới bỏ chạy, phân công Nguyễn Văn Tường trụ lại rồi Tường dùng thủ đoạn xảo quyệt quen thuộc nói dối với De Courcy là y không hề biết, không hề tham dự vào cuộc tấn công”. Đáo để hơn nữa, Puginier còn nhận định rằng hai phụ chính Tường và Thuyết vốn chẳng ưa gì nhau, nhưng vì mục đích chung chống Pháp và chống Thiên Chúa giáo nên họ đã liên kết với nhau. Đồng thời, đã từ lâu Nguyễn Văn Tường muốn loại bỏ Tôn Thất Thuyết, nhưng tất cả binh quyền đều do Thuyết nắm giữ nên Nguyễn Văn Tường không làm gì được. Nhân cơ hội này, Nguyễn Văn Tường trút mọi trách nhiệm của cuộc tấn công Pháp cho Tôn Thất Thuyết để Tường có thể thu tóm được những quyền lực còn lại. Dưới mắt Puginier, Nguyễn Văn Tường là một “đại gian hùng, kẻ thù không đội trời chung của Pháp và Thiên Chúa giáo”. Puginier nhấn mạnh:

“Tướng quân (De Courcy) chắc biết khá rõ ông Đệ nhất Phụ chính [Nguyễn Văn Tường], và sẽ không bị ông ta lừa bịp về những lời cam đoan vô tội hay thiện chí của ông. Ông ta là kẻ thù của nước Pháp, của Thiên Chúa giáo, kẻ thù hàng đầu, nguy hiểm nhất và không thể khoan nhượng nhất tại xứ An Nam”.(4)

Trong buổi yết kiến de Courcy tại Hà Nội, và rồi trong lá thư mật viết ngày 25/8/1885, Puginier tìm mọi lý lẽ để thuyết phục và thôi thúc De Courcy “phải cách chức Nguyễn Văn Tường - người đã chủ trương tấn công quân Pháp trong đêm 4 rạng 5/7/1885. Nguyễn Văn Tường là thủ phạm giết hại giáo sĩ và giáo dân Ki-tô từ năm 1873 tới 1884, và mục đích duy nhất của Tường cùng giới sĩ phu là ngăn chặn ảnh hưởng và quyền lợi Pháp tại nước Đại Nam.” (5)

Không những lên án việc sử dụng Nguyễn Văn Tường là điều “tủi nhục cho nước Pháp,” Puginier còn yêu cầu De Courcy phải đày Nguyễn Văn Tường đi xa để phòng hậu họa:

“Tướng quân chắc biết khá rõ ông Đệ nhất Phụ chính [Nguyễn Văn Tường], và sẽ không bị ông ta bịp bợm về những lời cam đoan vô tội hay thiện chí. Ông ta là kẻ thù của nước Pháp, kẻ thù hàng đầu, nguy hiểm nhất và không thể khoan nhượng nhất tại An-Nam”.(6)

Sự thất bại của Tôn Thất Thuyết đêm 5.7.1885 là chiến thắng không những của thực dân Pháp mà còn của chính Thiên Chúa giáo, của chính Puginier. Thế thì làm sao Puginier - người đứng đầu Thiên chúa gíao ở vùng Bắc Kinh đô Huế có thể chấp nhận cho Nguyễn Văn Tường ngồi trong cái chính quyền mà Puginier đang có một vị trí tinh thần và chính trị quan trọng ấy được ! Đối với Nguyễn Văn Tường, Puginier nói - như ngôn ngữ ngày nay “ Có tao không mày”.

3. Với Nguyễn Hữu Độ, ân oán cũ, tranh chấp địa vị mới

Lúc làm Hộ lý Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) (cuối năm 1883), Nguyễn Hữu Độ đã cộng tác chặt chẽ với Pháp, đồng ý cho Pháp xây dựng nhà thờ lớn trên nền một ngôi chùa cổ ở Hà Nội, rồi theo lịnh Pháp, Độ đặt bổ nhiều quan chức (7) mà đáng ra theo tinh thần Hiệp ước Quí Mùi (1883) phải do bộ Lại ở Huế (Nguyễn Văn Tường) thực hiện. Những việc làm sai trái đó của Nguyễn Hữu Độ buộc triều đình phải ra lịnh rút Độ về Huế. Biết triều đình Huế gọi mình về để trừng trị nên Độ nhờ tướng Pháp là Millot can thiệp, giữ Độ ở lại tại Hà Nội. Theo L. Sogny, để trừ khử Nguyễn Hữu Độ, hai phụ chánh Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã sai hai thám tử là Chữ và Trung (không biết họ) ra Hà Nội ám sát Nguyễn Hữu Độ. Chuyện không thành, hai thám tử bị Pháp bắt (8). Nguyễn Hữu Độ và Nguyễn Văn Tường hiềm khích nhau từ đó.

Ngày 29 tháng 5 triều vua Hàm Nghi nguyên niên (11.7.1885), sau khi hay tin Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thất bại, Nguyễn Hữu Độ như mở cờ trong bụng gởi ngay cho De Courcy một bức thư, trong thư có đoạn viết:

“Nhưng tôi trộm nghĩ sau khi Đức Dực Tôn Hoàng Đế (Tự Đức) băng hà, bọn triều thần phế lập, hãm hại các Tôn chi (Hoàng tộc) lang bối, làm rối loạn Triều đình. Cứ theo việc đã làm rõ ràng trước tai mắt công chúng. Nay lại trút tất cả gánh nặng ấy cho người đã chạy, ấy là chỗ đại gian hùng của Tường, tưởng Quý liệt vị đã thừa biết, tôi không dám lạm bàn.

Thảng hoặc như người ấy lại được khởi dụng thì cái tay giáo giở này, họa hoạn chưa biết đâu mà lường trước được, và không khỏi phiền đến Quý quan bảo hộ phải châm chước, thất công sắp đặt lại một lần nữa.

Vậy kính chuyển đạt ý tôi lên Chính quyền nghiên cứu kỹ càng. Tôi khỏi biện bạch nhiều.

Vả chăng cơ sự ngày nay, may có Đức Từ Dũ Thái Hoàng Thái hậu đã hồi cung, Qúi Đại thần không nỡ tuyệt hẳn nước người, một lòng kính đại thật là linh thiêng của Cửu miếu thần dân trong nước có chỗ ỷ trọng; may ra thế nước có thể kéo lại được, hạ quốc xiết bao cảm bội.


“Duy trong khoảng nguy nghi cần có người thạch phụ trung thành thu xếp, sắp đặt, đại cuộc may sớm định được. Tôi vẫn không dám tư dương, song nghĩ đến nguồn gốc nước nhà, ngày đêm lo ngại, ăn ngồi không yên. Nều như được về kinh theo Quý liệt đại thần, giúp chút sức hèn, may trong đôi tuần công việc sắp đặt có thứ lớp, khi ấy sẽ cho tôi trở ra Hà Nội cung chức như trước. Ấy nhờ Quý Đại nhân thẩm trước, tôi rất lấy làm ngóng trông.” (9)

Có lẽ lá thư của Nguyễn Hữu Độ đã được De Courcy quan tâm cho nên không lâu sau đó, vào ngày 27.7.1885, Nguyễn Hữu Độ được đi theo ông Sambuc vào Huế làm khách đặc biệt của De Courcy. Vừa đến Huế Nguyễn Hữu Độ đến ngay nhà Thương Bạc gặp Nguyễn Văn Tường chất vấn ông Tường: Tại sao làm Phụ chánh của vua mà để cho Kinh đô thất thủ ? Ông Độ dựa vào thế của Pháp đã nạt nộ đập bàn đập ghế đe doạ ông Tường. (10)

Tuy được Pháp tin nhưng Nguyễn Hữu Độ vào thời điểm cuối tháng 7.1885 chưa có thể thay thế vai trò của Nguyễn Văn Tường được cho nên chỉ sau một thời gian ngắn ở Huế Nguyễn Hữu Độ phải trở lại Hà Nội chờ thời cơ trả thù Nguyễn Văn Tường sau. Và thới cơ đó cũng đã đến vào tuần đầu tháng 9.1885.

4. Mâu thuẫn với Ưng Kỹ ngay từ sau ngày vua Tự Đức băng hà cho đến ngày Ưng Kỹ lên ngôi.

Trước khi bị đưa đi đày, Nguyễn Văn Tường đã đồng ý với Giám quốc Thọ Xuân Vương Miên Định chọn Ưng Kỹ lên ngôi thay thế vua Hàm Nghi, nhưng như thế vẫn không xóa được mối thâm thù Nguyễn Văn Tường trong lòng Ưng Kỹ (không lâu sau đó là vua Đồng Khánh). Chuyện Ưng Kỹ thâm thù Nguyễn Văn Tường khá sâu xa.

Vua Đồng Khánh, sinh ngày 19.2.1964, nguyên có tên là Ưng Thị, hay Ưng Đường, còn được gọi là Mệ Tríu, tên húy là Biện - con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876) và bà Bùi Thị Thanh ( ? – 1900). Lúc ông mới 2 tuổi (1865) được vua Tự Đức nhận làm con nuôi thứ hai, với tên mới là Ưng Kỹ. Năm 1879, ông được vua Tự Đức cho ra học ở nhà Chánh Mông (11) nên ông thường được gọi là Ngài Chánh Mông (12). Năm 1883, vua Tự Đức băng, trong Di chiếu vua Tự Đức không dấu được sự thất vọng về tâm thuật của người con nuôi thứ hai Ưng Kỹ :

“Ưng Kỹ người yếu ốm, có tâm tật, học chưa thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người cho lạm thẳng, đều không phải là tư chất thuần lương theo lời phải, sợ bọn người (13) khó lấy lời nói can được”.

Biết “không thể lấy lời can ngăn được”, nên sau khi truất người con (nuôi) trưởng Dục Đức, các ông Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết không quan tâm đến Ưng Kỹ là con nuôi thứ hai mà lại lập người em út của vua Tự Đức là Lãng Quận Công Hồng Dật lên ngôi lấy niên hiệu Hiệp Hoà. Rồi vua Hiệp Hoà lại bị truất, hai quyền thần lấy người em của Ưng Kỹ là Ưng Đăng (sinh 12.2.1869) - con nuôi thứ ba của vua Tự Đức có “tính thận trọng dễ bảo” đặt lên ngôi với niên hiệu Kiến Phước (2.12.1883) chứ cũng không để ý Ưng Kỹ. Đến khi Kiến Phước ở trên ngôi được 8 tháng rồi mất (31.7.1884), các quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vẫn không để ý đến Ưng Kỹ lần nữa mà lại lấy người em khác mẹ với Ưng Kỹ và Ưng Đăng, là Ưng Lịch (sinh 3.8.1871, chưa từng được làm con nuôi vua Tự Đức), lên nối ngôi với niên hiệu Hàm Nghi (2.8.1884). Kể từ người anh cả Ưng Chân bị truất, Ưng Kỹ là con nuôi thứ hai của vua Tự Đức mà cả ba lần chọn vua mới, Ưng Kỹ vẫn không được chọn. Dưới triều Hàm Nghi, Ưng Kỹ lại còn bị Tôn Thất Thuyết và Phạm Thận Duật giáng chức vì tội vắng mặt khỏi phủ 5 ngày không có lý do. Do lời trình của phụ giáo Phạm Thận Duật, Ưng Kỹ bị giáng từ Kiên Giang quận công xuống làm Kiên Giang hầu (14), Ưng Kỹ lấy làm uất hận trước thực tế phủ phàng đó nên đã rắp tâm tìm cơ hội trả thù. Và, cơ hội đó đã đến khi thực dân Pháp bỏ kế hoạch nhờ Nguyễn Văn Tường vời vua Hàm Nghi mà thay bằng kế hoạch nhờ Nguyễn Hữu Độ xin ý chỉ của Tam cung đưa Ưng Kỹ lên ngôi. Ưng Kỹ/ vua Đồng Khánh ghét Nguyễn Văn Tường đến nỗi: Nguyễn Văn Tường bị đày và chết ở Tahiti, đầu năm 1887, Pháp đưa hòm hài cốt Nguyễn Văn Tường về Thuận An (Huế), Đồng Khánh còn sai lính xuống Thuận An trị tội bằng cách dùng xích sắt đánh lên hòm hài cốt của người đã chết. Đây là một hình phạt còn nặng hơn cả biện pháp “tam bang triều điển” đối với người bị tội chết.

5. Nguyễn Văn Tường vào bước đường cùng là một tất yếu lịch sử

Sau hai tháng Nguyễn Văn Tường vẫn không thực hiện được kế hoạch đón vua Hàm Nghi về, trước áp lực của các giáo sĩ Puginier cùng sự cố vấn của Nguyễn Hữu Độ, ngày 20.8.1885 De Courcy bắt đầu xin thay Hàm Nghi bằng Hoàng tử Chánh Mông. Như thế Nguyễn Văn Tường không còn vai trò gì nữa. Và, Nguyễn Văn Tường cũng không thể cùng tồn tại với Puginier, Nguyễn Hữu Độ dưới trướng của vua Đồng Khánh. Nguyễn Văn Tường trở thành cái gai trước mắt những công bộc của Pháp. Cái gai đó chắc chắn phải bị nhổ. Nguyễn Văn Tường không thể tránh được bước đường cùng. Nhưng dù sao ông cũng đã hạn chế được những thiệt hại do quân Pháp gây ra sau ngày 5.7.1885, và đặc biệt ông đã góp phần làm chậm lại sự phản kích của địch để cho các phong trào yêu nước có cơ hội tổ chức lực lượng chiến đấu lâu dài. Nguyễn Văn Tường mang tiếng “đầu hàng giặc” nhưng nhà Nguyễn nhờ ông mà chưa mất ngôi.

Gác Thọ Lộc (Huế), 7.2002
NGUYỄN ĐẮC XUÂN


Chú thích:

(1) Hội nghị lần thứ nhất: Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường do Trường Cao đẳng [xđc.2] Sư phạm TP HCM tổ chức, 1996;
Hội nghị lần thứ hai: Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), do TT KHXH và NV Đại học Huế Hội KHLS tỉnh TTH, Huế 2.7.2002

(2) Nơi xây nhà hát Hưng Đạo ngày nay

(3) Thư ngày 15/4/1886, Warnet gửi Tổng Trú sứ [Bert]; SHAT (Vincennes), 10H 44.

(4) Thư ngày 17/7/1885, Puginier gửi Roussel de Courcy; AME (Paris), vol 816, số 46. Tài liệu này từng dẫn trong J. Dupuis, Le Tonkin de 1872 à 1886 (Paris: 1910) tr. 546-7.

(5) Nguyên văn: “Ce serait une honte pour la France s’il restait à la tête de l’Annam;” Thư ngày 25/8/1885, Puginier gửi Roussel de Courcy; AME (Paris), vol 816, số 46. Xem thêm thư ngày 20/7/1885 của Puginier gửi Courcy, với những lập luận tương tự; Ibid. (Trích lại của NXT và VNC)

(6) Thư ngày 17/7/1885, Puginier gửi Roussel de Courcy; AME (Paris), vol 816, số 46. Tài liệu này từng dẫn trong J. Dupuis, Le Tonkin de 1872 à 1886 (Paris: 1910) tr. 546 - 7. (Trích lại của VNC)

(7) Trong đó có hai ông Nguyễn Khuyến và Thành Ngọc Uyển. Nhưng có lẽ hai ông thấy như thế là nhục nhã nên hai ông không đến nhận chức và nhận nhiệm sở

(8) L.Sogny, như trên, p. 188

(9) Theo Thanh Quang, Nguyễn Hữu Độ (1832-1888) di thảo do cụ Trần Tiễn Hy (làng Minh Hương) – cháu nội của Phụ chánh Đại thần Trần Tiễn Thành cung cấp
(10) L.Sogny, Les Familles Illustres de l’ Annam, S.E. Nguyễn Hữu Độ, BAVH. Avril - Juin 1924, p. 188

(11) Nhà học Chánh Mông sau bãi bỏ, đến đầu thế kỷ XX xây dựng Bộ Học trên đó. Ngày nay là cơ quan của Công-ty Sách và Thiết bị trường học

(12) Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nxb Thuận Hoá, Huế 1995, tr. 377

(13) Tức các phu chánh Đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết; ĐNTL CB, nxb KHXH, HN.1976, tr.200 - 201

(14) ĐNTL CB, t. 36, tr.180.

Tài liệu tham khảo :

J. Dupuis, Le Tonkin de 1872 à 1886 (Paris: 1910)

Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nxb Thuận Hoá, Huế 1995

Nguyễn Xuân Thọ, Bước Mở Đầu Chính sách Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp tại Việt Nam (1858 - 1897), U.S.A - 1994

Puginier, Thư ngày 15/4/1886, Warnet gửi Tổng Trú sứ [Bert]; SHAT (Vincennes), 10H 44 (Trích lại của VNC).

Puginier, Thư ngày 17/7/1885, gửi Roussel de Courcy; AME (Paris), vol 816, số 46. (Trích lại của VNC).

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam Thực lục CB, các tập 36, 37 nxb KHXH, HN.1976
Richard Orband, Les Tomb eaux des Nguyễn, BFEO, HN.1914

Sogny (L.), Les Familles Illustres de l’ Annam, S.E. Nguyễn Hữu Độ, BAVH. Avril-Juin 1924.

Thanh Quang, Nguyễn Hữu Độ (1832-1888) di thảo do cụ Trần Tiễn Hy (làng Minh Hương) –cháu nội của Phụ chánh Đại thần Trần Tiễn Thành cung cấp.

Trường Cao đẳng [xđc.2] Sư phạm TP HCM 1996, Kỷ yếu Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường

Trung tâm KHXH và NV Đại học Huế Hội KHLS tỉnh TTH, Huế 2.7.2002, tài liệu Hội thảo: Nhân vạt lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886)

Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn, 1884 – 1945, Tập 2,
Văn Hóa - USA, 2000
_________________


Đính chính
bản chụp lại trên màn hình máy vi tính từ website Giao Điểm:

[xđc.] : Xem đính chính
[xđc. 1]: mà
[xđc. 2]: Đại học

TXA.


________________________________________



TRAN XUAN AN - TIEU LUAN 2
TRẦN XUÂN AN - TIỂU LUẬN 2

Xem bài dưới đây theo đường nối kết trang (link):
http://tranxuanantieuluan9b.blogspot.com


BÀI THỨ MƯỜI (trong “TIỂU LUẬN”)

Bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao điểm
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III09/905_index.htm
số tháng 9-2005

posted: 22.8.2005

TRẦN XUÂN AN

TRAO ĐỔI VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU SỬ HỌC NGUYỄN ĐẮC XUÂN
VỀ BÀI VIẾT:
“Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885)
Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)
khó thoát khỏi bước đường cùng”



Date: Tue, 23 Aug 2005 00:40:01 -0700 (PDT)
From: "Tran Xuan An" View Contact Details Add Mobile Alert
Subject: 23-8-2005: Bài trao đổi về tham luận sử học của anh Nguyễn Đắc Xuân
To: giaodiem@comcast.net, "Xuan N Dac" gactholoc@yahoo.com
CC: tranxuanan_vn@yahoo.com

Việt Nam, TP.HCM, lúc 14 : 25, ngày 23-8-2005

Kính gửi anh Nguyễn Văn Hóa
(chủ biên Tạp chí điện tử Giao Điểm)
và kính gửi anh Nguyễn Đắc Xuân
(nhà nghiên cứu sử học tại Huế)

Thưa hai anh,

Kính gửi đến hai anh bài viết này. Mong rằng với tinh thần dân chủ, anh Nguyễn Văn Hóa sẽ cho đăng tải trên web Giao Điểm và anh Nguyễn Đắc Xuân cũng rất vui lòng. Mạnh dạn dám nghĩ, đây cũng là cách "tập dượt" dân chủ, mặc dù tuổi dân chủ ở nước ta không còn trẻ nữa (1945 đến 2005!).

Lúc này, ở California (USA.), có lẽ đã hơn 12 giờ khuya, chắc anh Nguyễn Văn Hóa đã ngủ ngon, sau một ngày làm việc mệt nhọc. Trong khi đó, ở Huế (Việt Nam), đang là 14 giờ 37 chiều (23-8-2005), anh Nguyễn Đắc Xuân vẫn có thể đọc ngay bài viết đính kèm theo điện thư này.

Sáng sớm mai ở Cali (23-8-2005), hẳn anh Nguyễn Văn Hóa mới đọc.

Nghĩ vậy, trong tình anh em, nên đã gửi đến hai anh cùng một email-attachment.

Trân trọng.
Kính thư,
TXA.



TRẦN XUÂN AN

TRAO ĐỔI VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU SỬ HỌC NGUYỄN ĐẮC XUÂN
VỀ BÀI VIẾT “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885)
Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)
khó thoát khỏi bước đường cùng”


1

Nguyễn Đắc Xuân là một trong những nhà nghiên cứu sử học tiên phong trong việc làm sáng tỏ những uẩn khúc về Nguyễn Văn Tường (1824-1886), nhất là đẩy lùi, xua tan những ngộ nhận tai hại về vị quan đầu triều này trong hai tháng ngắn ngủi sau cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ vào khuya 04 rạng ngày 05-7-1885 (22 – 23 tháng 5, Ất dậu). Cách đây hơn hai mươi năm, từ 1983, trong một bài viết ngắn tổng hợp từ nhiều tư liệu, chủ yếu là tư liệu của thi sĩ tiền chiến, giảng viên đại học Phan Văn Dật, Nguyễn Đắc Xuân đã dùng cụm từ “nhiệm vụ lịch sử” một cách nghiêm chỉnh để xác định sứ mệnh của Nguyễn Văn Tường trong hai tháng ấy. Tuy nhiên, bấy giờ, như các nhà nghiên cứu khoa học xã hội khác, Nguyễn Đắc Xuân cũng không thể thoát ra khỏi quy định về quan điểm, lập trường đả phong quá khắt khe đến mức nghiệt ngã một cách phi lí của một thời.

Tôi nghĩ nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân, cho đến nay, vẫn còn bị ám ảnh bởi tai họa từ những biểu hiện vượt thoát quy định đả phong ấy của những người nào đó trong giới văn sử, mặc dù tinh thần chung của công cuộc Đổi mới gần hai mươi năm qua vốn khẳng định những giá trị dân chủ và ngày càng mở rộng, nâng cao tính dân chủ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học xã hội, hơn là đả phong quá đáng, phi lịch sử – cụ thể.

Nhưng dẫu sao, đó không phải là cảm nhận thoạt tiên về bài viết tôi mạn phép được trao đổi với anh, mà chừng mức nào đó, là trái ngược. Với đầu đề bài viết, “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng”, Nguyễn Đắc Xuân khiến người đọc cảm thấy như thể đó là câu trích nguyên văn từ một ai đó khá hằn học đối với vị phụ chính đại thần yêu nước này [*]. Chẳng lẽ đó là lời anh Pha, trước cửa quan, trong tác phẩm “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan? Tôi không tin như vậy. Đây chỉ là một chi tiết nhỏ, ngẫu nhiên, có tính chất bất chợt, cảm tính, ngoài lề.

Tôi cũng xác định tâm thế ngay từ những dòng chữ đầu, tôi đang viết một bài trao đổi nghiêm túc với bậc đàn anh, do đó, những cảm nhận đầu tiên kia không thể là tinh thần chủ yếu của bài viết đang hình thành này. Tôi tự nhủ điều hệ trọng nhất chính là phải nắm bắt được phương pháp tư duy và nhận định trong bài “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

2

Riêng bài viết này của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân, tôi không dám bàn đến lượng thông tin khách quan về lịch sử, nói rõ ra là về sử liệu, cho dù có một vài điểm, tôi thật sự nhận thấy là không thỏa đáng. Những chỗ khác biệt giữa bài viết của anh với nhận thức, nhận định của tôi mà tôi đã thể hiện ra ở bài viết của mình, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi [và bị thất thủ], 05-7-1885”, người đọc có thể so sánh và thấy rõ những nét khác biệt đó. Tuy vậy, cũng không thể không khẳng định lại một cách ngắn gọn.

Thứ nhất, đó là vấn đề tồn tại khá lưu cữu: Nguyễn Văn Tường có thật sự vạch ra kế hoạch và nhất trí với Tôn Thất Thuyết trong việc tổ chức, tiến hành cuộc kinh đô quật khởi (05-7-1885), tấn công Sứ quán Pháp và đồng thời tấn công quân binh của chúng ở nhượng thổ Mang Cá hay không?

Thứ hai, sau khi cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ (05-7-1885), Nguyễn Văn Tường có thực sự ở lại Huế với sự phân công của nhóm chủ chiến để tiếp tục thực hiện kế hoạch với phương án 2 (trường hợp bị chiến bại, nhà vua và Tam cung, đình thần phải ra Tân Sở, Thành Hóa [Cam Lộ]), đó là phương án Tôn Thất Thuyết phát động kháng chiến và Nguyễn Văn Tường chủ động đàm phán với giặc Pháp?

Thiết tưởng, ở bài này, tôi thấy không phải viện dẫn các tư liệu đáng tin cậy, trong đó chủ yếu là tư liệu gốc, để minh chứng với cách lập luận của mình như đã khẳng định ở bài viết đã dẫn bên trên, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi [và bị thất thủ], 05-7-1885”, một bài viết tôi hoàn toàn tin tưởng càng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu tán thành, ủng hộ và làm sáng tỏ hơn nữa, trên tinh thần khoa học đích thực.

Tuy thế, tôi thấy cần nhấn mạnh thêm một lần nữa một điều đã viết với luận chứng nghiêm túc: Có một số trang châu bản sau cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ, do Nguyễn Văn Tường viết, trình lên Tam cung (đứng đầu là bà Từ Dũ) và giám quốc nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định, thực chất chỉ nhằm đối phó với thực dân Pháp và phe chủ “hòa” (thực chất là đầu hàng) đang thắng thế. Đúng vậy, như TS. Nguyễn Nhã đã khẳng định trong Hội thảo, ngày 02-7-2004, viết những trang châu bản ấy, Nguyễn Văn Tường chỉ dùng đối phó mà thôi, trong sách lược “hai mặt”!

3

Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân, qua bài viết của anh mà tôi thấy cần phải mạn phép trao đổi này, anh đã khảo sát thái độ đối với Nguyễn Văn Tường, của bốn đối tượng:

a. thực dân viễn chinh;

b. cố đạo Thiên Chúa giáo;

c. quan lại cơ hội;

d. hoàng tử có nhân cách tồi tệ.

Tiêu biểu hoặc đích danh của bốn đối tượng ấy, là tên tướng De Courcy, tên khâm sứ De Champeaux, giám mục Puginier, tổng đốc Hà – Ninh Nguyễn Hữu Độ và hoàng tử Kiên Giang hầu Ưng Kỹ (Đồng Khánh).

Nguyễn Đắc Xuân đã kết luận: Nguyễn Văn Tường (cũng như nhóm chủ chiến) là kẻ thù không đội trời chung của chúng. Không có gì chính xác hơn.

Tuy vậy, phải chăng vẫn cần trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân một vài nét không phải là không hệ trọng trong sự khảo sát và kết luận nói trên của anh.

Một là [Trước hết - đính chính], qua những tư liệu tôi đã dẫn chứng trong các khảo cứu của mình, cụ thể là những bức điện văn De Courcy gửi về Paris xin ý kiến và báo cáo với chính phủ Pháp, trong khoảng thời gian không dài trước và sau ngày 05-7-1885, nhất là qua bản án cáo thị khi lưu đày Nguyễn Văn Tường mà De Champeaux công bố ngày 05-9-1885 (tức là ngày 27 tháng 7 Ất dậu), ai cũng thấy rõ:

- Chính phủ Pháp tại Paris đã quyết định tấn công kinh thành Huế và bắt hai phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết;

- Đối với Nguyễn Văn Tường, bản án về ông mà chính phủ thực dân Pháp đã quyết án, đã có từ trước ngày kinh đô quật khởi, bị thất thủ; và sự gia hạn cho Nguyễn Văn Tường 2 tháng sau ngày ấy cũng được chính phủ thực dân Pháp duyệt y từ đề nghị của De Courcy, De Champeaux và cố đạo Caspar (lấy tên Việt là Lộc).

Ngay bản án chung thẩm về nhóm chủ chiến (Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Trương Văn Đễ, Trần Xuân Soạn) vào cuối tháng 8 Ất dậu (tháng 10-1885), ở thời điểm Nguyễn Văn Tường đã bị lưu đày hơn một tháng, do đình thần và Tôn nhân phủ đưa lên, Đồng Khánh duyệt y, cũng có chữ kí kề bên của tướng giặc De Courcy. Trong một bài viết, linh mục Delvaux đã ghi thông tin khách quan này rõ như thế.

Ngay việc lưu đày Nguyễn Văn Tường cùng Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính qua tận Tahiti, một quần đảo thuộc địa Pháp ở gần Nam Mỹ, cũng đủ chứng minh rằng, quyết án ấy là vượt quá tầm tay, quyền hạn của De Courcy và những tên khác, như cố đạo gián điệp Puginier, kể cả vua bù nhìn Đồng Khánh, tên tay sai Nguyễn Hữu Độ. Quyền hạn của 4 tên này chỉ trong giới hạn là lãnh thổ nước Đại Nam (Việt Nam) mà thôi, thậm chí hai nơi được quyền lưu đày xa nhất chỉ là Bình Thuận và Cao Bằng (Nam Kỳ đã thành thuộc địa của Pháp).

Như vậy, không chỉ một, mà đến hai bản án, thực chất đều là bản án của chính phủ thực dân Pháp tại Paris và kẻ trực tiếp tiến hành uy hiếp, khiêu khích, đánh chiếm kinh đô Huế, thi hành án đối với Nguyễn Văn Tường là De Courcy.

Bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không đề cập đến điều cốt lõi này, mà chỉ khái quát “người Pháp không tin nhưng vẫn dùng”. Anh lại nhấn mạnh đến 3 tác nhân khác. Theo anh, đó là Puginier, Nguyễn Hữu Độ, Đồng Khánh. Puginier căm thù Nguyễn Văn Tường vì Nguyễn Văn Tường chủ trương bình Tây phiên, sát tả đạo từ 1973 đến 1884. (Anh không nhắc đến tư liệu Hội truyền giáo Bắc Kỳ, trong đó, cho đến năm 1889, 4 năm sau, Puginier vẫn còn báo cáo về Pháp, chính Nguyễn Văn Tường đã cùng Tôn Thất Thuyết phối hợp trong phong trào Cần vương sau ngày kinh đô thất thủ, và đã tiêu diệt đến 30.000 dân giáo). Đối với Nguyễn Hữu Độ và Đồng Khánh, anh hầu như chỉ nhấn mạnh sự trả thù của hai tên này nhắm vào Nguyễn Văn Tường. Anh khái quát thành hai tiểu đề mục: “Với Nguyễn Hữu Độ, ân oán cũ, tranh chấp địa vị mới”; “Mâu thuẫn với Ưng Kỹ ngay từ sau ngày vua Tự Đức băng hà cho đến ngày Ưng Kỹ lên ngôi”. Nói cách khác, theo anh, Nguyễn Văn Tường bị lưu đày là do sự trả thù của Puginier, đại diện cho Thiên Chúa giáo, và do mối thâm thù có tính chất cá nhân của tên tay sai cơ hội Nguyễn Hữu Độ và của tên vua bù nhìn Đồng Khánh [**].

Có thể nói rằng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đem hệ quả của nguyên nhân chính làm nguyên nhân chính, và hầu như xem nhẹ nguyên nhân chính ấy. Đúng ra, cần nói rõ rõ hơn: Quá trình Nguyễn Văn Tường chống thực dân Pháp, tả đạo Thiên Chúa giáo và chống bọn tay sai, cơ hội, nhân cách kém cỏi, tồi tệ, nhất là sự phối hợp với phong trào Cần vương (“đàm” phối hợp với “đánh”) sau ngày kinh đô quật khởi, bị thất thủ, mới là nguyên nhân chính khiến chúng lưu đày ông. Chúng lưu đày ông vì lí do chính là nguyên nhân chính trị. Hệ quả của nguyên nhân chính ấy là Nguyễn Hữu Độ, Ưng Kỹ nuôi mối tư thù đối với Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến. Mối tư thù của hai tên này không phải là nguyên nhân chính trong việc thực dân Pháp và chúng lưu đày ông.
Vô hình trung, theo cách viết của Nguyễn Đắc Xuân, anh đã hạ thấp yếu tố chính trị chống Pháp mà chỉ nhấn mạnh đến mối tư thù, vì tranh chấp địa vị ở triều đình giữa người Việt với nhau!

Nói cách khác, Nguyễn Đắc Xuân đã xoáy lệch trọng tâm vấn đề của sự kiện lịch sử, do dó, hầu như sự kiện lịch sử bị vênh, bị méo hẳn.

Cần phải khẳng định, đối với Nguyễn Văn Tường và nhóm chủ chiến, trong hai tháng sau cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ và trong nhiều năm tháng trước đó, luôn luôn kẻ thù chủ yếu của ông và của nhóm chủ chiến mà ông đứng đầu, là thực dân Pháp, kế đến là đồng minh “tả đạo” Thiên Chúa giáo của chúng, rồi sau đó mới là bọn tay sai, cơ hội, nhân cách hèn kém, tồi tệ. Thứ tự liệt kê kẻ thù này, từ chính yếu đến thứ yếu, là hoàn toàn đúng với sự thật lịch sử.

4

Bài viết “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng” của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân đã cung cấp thêm cho người đọc một số tư liệu mới hoàn toàn khớp với các tư liệu đã được phát hiện, giám định và công bố trong bài viết của GS. Nguyễn Văn Kiệm (Kỉ yếu Hội nghị khoa học do Trường ĐHSP. TP.HCM. tổ chức, ấn hành, 19-6-1996) cũng như trong các công trình của TS. Cao Huy Thuần, TS. Yoshiharu Tsuboi… Nếu xét về lượng thông tin khách quan, không tính đến quan điểm, lập trường được thể hiện kèm theo lượng thông tin khách quan ấy, tôi thấy những tư liệu mới trong bài viết của Nguyễn Đắc Xuân cũng hoàn toàn phù hợp với tư liệu gốc Đại Nam thực lục chính biên mà tôi đã trích dẫn trong bài viết “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi [và bị thất thủ], 05-7-1885” của mình.

Dẫu sao, tôi cũng chỉ là hạng đàn em, học tập, tiếp bước một người luôn giữ tinh thần dân chủ trong học thuật – nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân –, nhưng theo cách của mình. Tôi vẫn khẳng định những gì tôi đã viết về đề tài nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường và thời đại ông, cho dù ở thể loại nào, nghiên cứu, biên soạn, hay truyện kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, và mặc dù các trước tác ấy có những luận điểm, khía cạnh quan trọng khác với anh.

Cũng không thể không ghi công tiên phong và ghi ơn về tâm huyết của nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân trong những chặng đường khó khăn, bức bối nhất của giới văn chương, giới sử học và ngành khoa học xã hội nói chung.

Cuối bài trao đổi có tính chất mạn đàm dân chủ này, xin ghi chú thêm: Những tư liệu viện dẫn trong bài viết “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi [và bị thất thủ], 05-7-1885” (cùng được đăng tải trên tạp chí điện tử Giao Điểm, số tháng 8-2005) cũng như các tư liệu khác trong cuốn “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886),’những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được’” (web Giao Điểm, số tháng 5-2005) với các xuất xứ đã được ghi rõ theo yêu cầu nghiên cứu khoa học, tôi lại dẫn gián tiếp ở đây.

TP. HCM., khởi viết vào lúc 16 giờ chiều 22-8-2005,
hoàn tất lúc 9 giờ 28 sáng ngày 23-8-2005.
TRẦN XUÂN AN


Ghi chú thêm:

[*] Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục, chính biên", tập 29, bản dịch Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Nxb. Khoa học xã hội, 1974, tr. 39: “Tỉnh Vĩnh Long có dân [Hoa?] theo đạo Gia-tô tên Kiên nói càn rỡ làm rối loạn lòng dân (nói rằng: tàu Tây dương đã đến nơi, giết hết bọn dân [lương? Việt? – ct.] chúng mày, tao không sợ pháp luật của quan binh mày nữa)…”; sđd., tr. 242: “Nhiếp biện huyện vụ huyện Duy Ninh […] là Đặng Hòa […]. Hòa hay uống rượu, đánh bạc, tham tang hối lộ, nói nhiều điều ngông cuồng (như nói: người Tây dương không lâu cũng lấy mất tỉnh thành, hắn sẽ về quê yên nghỉ)…”. Tất nhiên nhân vật Pha trong tác phẩm “Bước đường cùng” không phải là “dữu dân”, càng không phải là viên chức huyện vụ phạm pháp. Cũng như nhiều nhà văn hiện thực phê phán dưới chế độ thực dân – nửa phong kiến, giai đoạn 1930 – 1945, Nguyễn Công Hoan chĩa mũi dùi công kích vào chế độ phong kiến èo uột, quan liêu, bù nhìn (thời Khải Định, chủ yếu là thời Bảo Đại), chứ chưa dám đánh vào kẻ thù trực tiếp là thực dân Pháp, “tả đạo”.]

Ở đây, nhìn rộng ra, đó là phản ứng giai cấp của nhiều người, phản ứng ấy lắm khi là lệch lạc.

Và dẫu sao đây cũng chỉ là một chú thích mở rộng về một chi tiết nhỏ, ngẫu nhiên (diễn dịch từ một cụm từ ngẫu nhiên trùng hợp với nhan đề một tác phẩm!). Xin xem chú thích này là không liên quan gì đến bài viết trên.

[**] Trong khi đó, Nguyễn Văn Tường chỉ khinh ghét Nguyễn Hữu Độ, thấy y là một tên tay sai nguy hiểm, cần phải trừng phạt thích đáng, và ông chỉ xem thường Ưng Kỹ, chứ chưa phải đến mức căm thù chúng.

TXA.


_________________________


Lời thưa cuối sách
của Trần Xuân An


Có những vấn đề tranh luận đã bị thời gian vượt qua, vì hiện nay, hầu hết các nhà nghiên cứu trong giới sử học đã đi đến chỗ đồng thuận: Nguyễn Văn Tường là một người yêu nước, chủ chiến, kiên quyết chống Pháp đến hơi thở cuối cùng trên hòn đảo lưu đày Tahiti, tuy có nhiều lúc phải mềm dẻo trong chức năng ngoại giao với thực dân Pháp; thực dân Pháp và "tả đạo" trong Thiên Chúa giáo luôn xem ông như một kẻ thù không đội trời chung với chúng.

Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học lịch sử cũng như bất kì ngành khoa học nào, tất cả đều phải có quá trình. Nhìn lại những chặng đường vượt qua là một cách củng cố những thành tựu mới nhất đã đạt được.

Do đó, tôi mạnh dạn đưa lên web những trang trên, đồng thời, nếu có thể, tôi sẽ đưa lên web một bài viết của Lê Tiến Công (2005) và cả luận văn cử nhân sử học (2002) của anh về đề tài này.

Chân thành cảm ơn các nhà nghiên cứu sử học trong và ngoài nước.

Trân trọng,

TXA.

Không có nhận xét nào: